Ngày 26/6, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Tào Thị Thủy (sinh năm 1977, trú tại thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh) về hành vi "Vô ý làm chết người" sau khi bán thuốc nam có chứa độc tố lá ngón, khiến một người tử vong và một người nguy kịch.

Uống thuốc lá nam tự chế, một người tử vong, một người suýt chết

Theo thông tin ban đầu, vào ngày 24/2/2025, một nhóm người dân ở phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn đã rủ nhau đến nhà bà Thủy để xin thuốc lá nam điều trị các bệnh như xương khớp, đau dạ dày... Đáng chú ý, bà Thủy không thu tiền trực tiếp mà để mọi người "tùy tâm đặt tiền lên bàn thờ" ngay tại sân nhà.

Tuy nhiên, sau khi mang thuốc về sắc uống, hai người có biểu hiện trúng độc: khó thở, tức ngực, buồn tay chân, mắt mờ và không thể nói chuyện hay cử động. Trong đó, một người tử vong tại nhà, người còn lại được cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy kịch.

Giám định: Trong thuốc có độc tố của lá ngón

Cơ quan điều tra đã thu giữ mẫu thuốc tại nhà bà Thủy và của các nạn nhân để tiến hành giám định. Kết quả cho thấy, các mẫu thuốc – bao gồm cả phần trong ấm sắc thuốc của người tử vong – đều chứa độc tố alkaloid từ cây lá ngón, một loại cây cực độc thường mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam.

Các gói thuốc lá nam khác được thu giữ tại nhà bà Thủy cũng có chứa thành phần độc tố tương tự.

Lời khai và cảnh báo từ cơ quan chức năng

Tại cơ quan công an, bà Tào Thị Thủy khai nhận: bà thường vào rừng hái lá, rễ cây để bào chế thuốc theo kinh nghiệm dân gian, không có chuyên môn y học, không được đào tạokhông rõ tên các loại cây đã sử dụng. Thuốc cũng không có đăng ký sản phẩm, không qua kiểm định chất lượng hay cấp phép của cơ quan chức năng.

Cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc lá, thuốc rễ cây hái ngoài rừng, vì rất dễ nhầm lẫn với các loại cây độc như lá ngón – một loại cây leo cực độc, có thể gây tử vong chỉ sau vài phút nếu ăn hoặc uống phải.

Lời cảnh tỉnh: Cẩn trọng khi dùng thuốc nam, đừng tin lời “thầy lang” truyền miệng

Trong bối cảnh nhiều người dân vẫn còn tin vào các bài thuốc truyền miệng, sự việc đau lòng tại Thanh Hóa là một hồi chuông cảnh tỉnh. Dù là thuốc nam, thuốc Đông y hay tân dược, người dân tuyệt đối không nên tự ý sử dụng nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh có nhu cầu điều trị bằng y học cổ truyền nên đến các Bệnh viện Y học cổ truyền hoặc khoa Y học cổ truyền tại các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để được khám và điều trị đúng phác đồ, an toàn và hiệu quả.

Theo thông tin : Nguoiduatin.vn